Cách để Tranh đấu cho bản thân

Tải về bản PDFTải về bản PDF

Tranh đấu cho bản thân có thể sẽ rất khó khăn nếu bạn thuộc tuýp người dễ dãi hay cả nể. Khi gọt giũa bản thân để làm vừa lòng tất cả mọi người xung quanh, bạn sẽ dễ đánh mất giá trị của chính mình; học cách tranh đấu cho bản thân chính là cách để bạn khiến người khác tôn trọng mình và không bị họ thao túng hay lợi dụng. Việc từ bỏ thói quen che giấu quan điểm và trở nên tự tin hơn để tranh đấu cho chính mình không phải là chuyện một sớm một chiều, đó là cả một quá trình thay đổi bắt đầu từ từng bước nhỏ.

Phương pháp 1
Phương pháp 1 của 3:

Tin tưởng vào chính mình

Tải về bản PDF
  1. How.com.vn Tiếng Việt: Step 1 Hãy tự tin.
    Trở nên tự tin chính là bước đầu tiên để tranh đấu cho chính mình. Nếu chính bạn còn không tự tin và tin tưởng vào mình thì sao người khác có thể tin tưởng bạn?
    • Không khó để có thể nhận ra ai đó đang kém may mắn và mất tự tin -- điều này khiến họ dễ dàng trở thành mục tiêu để người khác trêu chọc. Nếu bạn tự tin, mọi người sẽ không trêu chọc hoặc cho rằng bạn là kẻ yếu.
    • Sự tự tin phải được xây dựng từ bên trong, chính vì vậy hãy làm bất cứ điều gì bạn cần để cảm thấy bản thân mình tốt hơn. Hãy học một kỹ năng mới, cố gắng giảm cân hoặc lặp lại những câu nói tích cực mỗi ngày -- thay đổi bản thân ngay lập tức là điều không thể, nhưng dần dần bạn sẽ tự tin hơn.
  2. How.com.vn Tiếng Việt: Step 2 Đặt ra mục tiêu cho bản thân.
    Khi có mục tiêu sống, bạn sẽ cảm thấy mình là người sống có mục đích, tự làm chủ vận mệnh và biết được mình thật sự muốn gì. Điều này là vô cùng quan trọng khi bạn muốn tranh đấu và không để bản thân bị người khác lấn lướt.
    • Hãy tạo động lực cho bản thân bằng cách đặt ra những mục tiêu thực tế và đầy tham vọng trong vòng vài tuần, vài tháng, hoặc thậm chí là vài năm tới. Mục tiêu gì cũng được -- thăng chức trong công việc, đạt điểm tuyệt đối trong bài kiểm tra sắp tới hay tham gia một cuộc chạy thi bán marathon -- miễn là khi thực hiện nó, bạn cảm thấy bản thân mình có giá trị.
    • Khi đã hoàn thành những mục tiêu đặt ra, bạn đừng quên nhìn lại chặng đường mình đã đi và trân trọng những gì đã đạt được. Hãy tự hứa với bản thân rằng, bạn sẽ không bao giờ để mình quay về con người không toại nguyện như trước đây nữa.
  3. How.com.vn Tiếng Việt: Step 3 Xây dựng thái độ tích cực.
    Thái độ chính là điều quyết định tất cả -- nó ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn nhận bạn và ngay cả cách bản thân bạn tự nhìn nhận mình. Thái độ được thể hiện ở cả giọng nói, suy nghĩ, biểu cảm trên gương mặt và ngôn ngữ cơ thể của bạn.[1]
    • Nhớ rằng thái độ có tính lan truyền, nếu bạn phấn khởi, hạnh phúc, và tích cực về mọi việc, bạn cũng sẽ khiến những người xung quanh cảm thấy yêu bản thân và yêu đời hơn. Nếu bạn buồn rầu, bi quan và chán nản về mọi thứ, những người khác cũng sẽ cảm thấy tiêu cực như vậy.
    • Chúng ta ai cũng thích ở gần những người khiến mình cảm thấy yêu đời và thường có khuynh hướng lắng nghe cũng như tương tác với người có thái độ tích cực.
    • Đồng thời, chúng ta xa lánh những người luôn tỏ ra nhút nhát, luôn coi mình là nạn nhân hoặc lúc nào cũng bị áp bức. Chính vì vậy, hãy xây dựng một thái độ tích cực để tranh đấu cho bản thân.
  4. How.com.vn Tiếng Việt: Step 4 Ngừng việc coi bản thân mình là nạn nhân.
    Khi cư xử như vậy, bạn sẽ không tranh đấu mà có xu hướng thoái thác trách nhiệm và đổ lỗi cho người khác.
    • Nhiều người không thể đứng lên tranh đấu cho mình vì họ sợ bị cười chê hoặc bác bỏ như đã từng trong quá khứ. Nếu cứ giữ mãi quá khứ tiêu cực và thu mình trong chiếc vỏ của bản thân, dần dần bạn sẽ ngừng tranh đấu và bắt đầu coi mình là nạn nhân của mọi chuyện.
    • Nếu đã trải qua điều gì đó tiêu cực trong quá khứ, cách tốt nhất là bạn nên tâm sự với ai đó đáng tin cậy. Điều này sẽ giúp bạn tìm ra căn nguyên của tâm lý luôn thấy mình là nạn nhân của sự tiêu cực và tìm cách khắc phục thay vì trốn tránh nó.
  5. How.com.vn Tiếng Việt: Step 5 Hài lòng về thể chất của bản thân.
    Bạn không cần phải có thân hình lý tưởng như siêu nhân, tuy nhiên một ngoại hình cân đối, rắn chắc và khỏe mạnh sẽ giúp bạn tự tin hơn để tranh đấu cho chính mình.
    • Hãy chọn một hoạt động mà bạn yêu thích -- có thể là nâng tạ, chạy, nhảy hoặc leo núi -- và dành thời gian cho nó. Bạn sẽ không chỉ có thể hình và sức khỏet tốt hơn mà còn có thể sống một cách vui vẻ và trở thành một người thú vị hơn, hoàn hảo hơn!
    • Bạn cũng nên cân nhắc tham gia một lớp học võ hoặc học tự vệ. Tinh thần kỷ luật của võ học sẽ giúp bạn trở nên tự tin, thêm vào đó, những động tác kỹ thuật tự vệ sẽ giúp bạn tự tin hơn nữa và có thể tự bảo vệ bản thân khi xảy ra xô xát với người khác.
    Quảng cáo
Phương pháp 2
Phương pháp 2 của 3:

Học cách trở nên quả quyết

Tải về bản PDF
  1. How.com.vn Tiếng Việt: Step 1 Giữ thái độ...
    Giữ thái độ quả quyết. Điều này không hề sáo rỗng mà là một yếu tố then chốt để tranh đấu cho bản thân, là một phương tiện đáng tin cậy để bạn khiến mình được người khác lắng nghe và có được những gì mình muốn.
    • Thái độ quả quyết vừa giúp bạn thể hiện được những gì mình muốn, cần và thích, vừa cho người khác thấy rằng bạn tôn trọng họ và cũng sẵn sàng đấu tranh cho bản thân. Bạn cần cởi mở và thành thật về những suy nghĩ, cảm xúc của mình trong khi cố gắng tìm ra giải pháp chung thoả mãn nhu cầu của cả hai bên.
    • Khi bảo vệ cảm xúc và ý kiến của mình, bạn nên dùng câu có chủ ngữ ở ngôi thứ nhất như “tôi/em,v.v" thay vì ngôi thứ hai như “anh/chị, v.v" để câu nói không nặng nề như đang buộc tội và khiến người khác phản ứng gay gắt. Ví dụ, thay vì nói rằng: “Anh luôn quyết định mà không bao giờ hỏi ý kiến của em cả", bạn hãy nói rằng: “Em cảm thấy mình chẳng là gì cả khi lúc nào anh cũng tự mình đưa ra quyết định".[2]
    • Quả quyết, với nhiều người, là một kỹ năng cần học tập và rèn luyện, nên bạn đừng buồn nếu thấy mình không phải người quả quyết. Có rất nhiều sách và các khóa học về rèn luyện tính quả quyết. Bạn có thể tham khảo một vài cuốn sách kinh điển như When I Say No, I Feel Guilty (Khi tôi nói không tôi thấy tội lỗi), của tác giả Manuel J Smith, và Your perfect right: A Guide to Assertive Living, của tác giả Robert E. Alberti. Bạn cũng có thể tham khảo các bài viết Cách để trở nên quả quyết và Giao tiếp với thái độ quả quyết.
  2. How.com.vn Tiếng Việt: Step 2 Học cách nói không.
    Nói không là một trong những việc khó nhất và cũng quan trọng nhất trong quá trình tranh đấu cho bản thân. Nếu lúc nào cũng nói “có" vì không muốn từ chối người khác thì bạn rất dễ trở thành một chân sai vặt mà ai cũng sẽ nhờ vả, lợi dụng.
    • Ví dụ, sếp luôn yêu cầu bạn làm thêm giờ trong khi đồng nghiệp của bạn ra về từ lúc 6 chiều, bạn có thể sẽ khó từ chối. Tuy nhiên, nếu việc làm thêm giờ này ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân và các mối quan hệ khác thì bạn cần phản đối việc này. Đừng đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân -- hãy học cách nói không khi cần thiết.
    • Học cách từ chối sẽ giúp bạn bảo vệ bản thân trước những người bạn và những người coi thường mình. Hãy nghĩ đến những người thường xuyên mượn tiền bạn nhưng không bao giờ trả; sự quả quyết sẽ khiến bạn mạnh dạn đòi lại tiền và từ chối cho mượn khi họ tiếp tục hỏi mà vẫn duy trì được tình bạn.
    • Lúc đầu mọi người sẽ rất bất ngờ, nhưng dần dần họ sẽ chấp nhận và thậm chí là tôn trọng sự quả quyết của bạn.
  3. How.com.vn Tiếng Việt: Step 3 Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể.
    Cách bạn đi, đứng, ngồi để lại ấn tượng rất lớn đối với người khác. Người sử dụng ngôn ngữ cơ thể tích cực sẽ được mọi người kính trọng đồng thuận và tin tưởng, trong khi người có ngôn ngữ cơ thể tiêu cực (gù vai, khép nép) thường sẽ không được người khác coi trọng.
    • Hãy dùng ngôn ngữ cơ thể cởi mở để cho mọi người biết rằng bạn là người tự tin và không dễ bị bắt nạt. Ngôn ngữ cơ thể cởi mở bao gồm hơi nghiêng người về phía trước, giao tiếp bằng ánh mắt, đứng ở tư thế tay chống nhẹ vào hông và hai chân hơi mở rộng, dùng cử chỉ khoan thai, ngực hướng về phía người đối diện và không khoanh tay hay vắt chéo chân.
    • Ngược lại, ngôn ngữ cơ thể không cởi mở sẽ gửi đi những tín hiệu tiêu cực và dễ khiến bạn trở thành đối tượng bị công kích. Ngôn ngữ cơ thể không cởi mở bao gồm khoanh tay, nắm chặt tay, sử dụng cử chỉ nhanh vội hoặc lảng tránh, tỏ ra bồn chồn, tránh giao tiếp bằng mắt và quay người về hướng khác.[3]
  4. How.com.vn Tiếng Việt: Step 4 Tập tranh đấu cho bản thân.
    Việc đứng lên tự bảo vệ bản thân không phải là khả năng vốn có của những người có tính nhút nhát, nhưng không sao cả. Chỉ cần chăm chỉ tập luyện -- bạn sẽ sớm trở nên tự tin và quả quyết để cất lên tiếng nói của mình.
    • Đôi khi bạn sẽ không thể đấu tranh cho chính mình chỉ đơn giản là vì lúc đó không nghĩ ra điều gì để nói. Hãy dành thời gian để viết ra những lời đáp trả cho một vài tình huống khó, sau đó bấm giờ và thực hành đối đáp cùng một người bạn.
    • Hãy nhờ một người bạn giả vờ là một người khó tính hoặc thích gây khó dễ mà bạn cần đối phó, sau đó bạn bấm thời gian khoảng 2 phút và đáp trả! Cứ thực hành như vậy cho đến khi thật nhuần nhuyễn.
    • Bạn cũng có thể thực hành tranh đấu cho bản thân trong những tình huống nhỏ xảy ra hàng ngày. Ví dụ, khi nhân viên phục vụ lấy cho bạn cốc cà phê không đúng như yêu cầu, thay vì lặng lẽ nhận lấy nó, bạn hãy học cách nói "Xin lỗi, tôi gọi cà phê không sữa béo. Anh/chị có thể đổi giúp được không?" Làm như vậy, bạn sẽ sớm trở nên tự tin để đối phó với những vấn đề lớn và quan trọng hơn.
  5. How.com.vn Tiếng Việt: Step 5 Tránh xa những người tiêu cực.
    Một khía cạnh khác của việc tranh đấu cho bản thân là hãy tin tưởng vào trực giác của mình về người khác và học cách đối xử với họ. Ví dụ:
    • Nếu một người tiêu cực nào đó làm bạn không vui, đừng quanh quẩn bên cạnh họ; hãy lịch sự và kiên quyết tách mình ra. Bạn cũng không cần phải giải thích vì sao lại ít tiếp xúc với họ.
    • Tránh xa những người thích trêu chọc, tiêu cực và mỉa mai người khác. Bạn sẽ chẳng nhận được lợi ích gì từ việc giao du với họ, và việc bạn chịu đựng những điều vô nghĩa hay tán dương những hành vi xấu cũng sẽ chẳng phải là điều tốt cho họ.
    • Hãy nhớ -- tránh xa căn nguyên của sự phiền toái và rắc rối không phải là trốn chạy; đó là một phần quan trọng trong quá trình tập tranh đấu cho bản thân, vì điều này có nghĩa là bạn sẽ không để những điều vô nghĩa và khó chịu ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.
    Quảng cáo
Phương pháp 3
Phương pháp 3 của 3:

Giải quyết xung đột

Tải về bản PDF
  1. How.com.vn Tiếng Việt: Step 1 Bảo vệ bản thân bằng thái độ bình tĩnh và lý trí.
    Hãy dùng lời nói để bảo vệ bản thân khi bạn bị công kích, khiêu khích hay lấn lướt, và tự chăm sóc bản thân khi ai đó cố tình hạ bệ, trói buộc hoặc thậm chí là làm bạn bị thương.
    • Đừng cố chịu đựng và kìm nén cơn giận dữ; nói ra sẽ tốt hơn nhiều. Cho dù chẳng thay đổi được gì thì bạn cũng đã chứng tỏ cho bản thân và người khác thấy rằng bạn sẽ không im lặng để người khác xúc phạm mình.
    • Thường thì những lời nói lịch sự và kiên quyết đáp trả lại những ý kiến hay hành động thiếu tôn trọng của người khác cũng đủ để họ phải thay đổi, nhất là khi có những người khác xung quanh. Ví dụ: "Xin lỗi nhưng tiếp theo là lượt của tôi và tôi cũng đang vội chẳng kém gì anh chị cả".
    • Tránh nói thì thầm, lầm bầm trong miệng hoặc nói quá nhanh. Giọng điệu và tốc độ nói rất quan trọng trong việc thể hiện rõ ràng mục đích và sự tự tin của bạn.
    • Đương nhiên là thái độ bảo vệ bản thân của bạn cần phụ thuộc vào từng tình huống, và nếu gặp phải người nóng tính thì hãy luôn đặt sự an toàn của bản thân lên hàng đầu.
  2. How.com.vn Tiếng Việt: Step 2 Đừng hung hăng.
    Bạn không nên gây hấn với người khác trong quá trình tranh đấu cho bản thân. Cư xử hung hăng, hay thậm chí là bạo lực, sẽ phản tác dụng và khiến bạn bị mọi người xa lánh.
    • Cư xử hung hăng -- bằng lời nói hay hành động -- sẽ giống như bạn đang làm quá mọi chuyện lên vậy. Đó không phải là một cách khéo léo để đạt được mong muốn và sẽ khiến mọi người trở nên thù địch với bạn.
    • Bạn sẽ có nhiều cơ hội nhận được kết quả tích cực nếu tiếp cận vấn đề một cách bình tĩnh và khách quan nhất có thể. Bạn vẫn có thể bảo vệ quan điểm, cứng rắn và quả quyết mà không cần phải phải to tiếng hay tức giận. [4]
  3. How.com.vn Tiếng Việt: Step 3 Tránh hung hăng thụ động.
    Bạn hãy cẩn thận đừng để mình phản ứng một cách hung hăng thụ động đối với hoàn cảnh và người khác.
    • Phản ứng hung hăng thụ động là khi bạn muốn làm gì đó nhưng không làm, kết cục lại trở nên phẫn uất và tức giận, ghét những người "khiến" bạn cảm thấy như vậy, trở nên chán nản và bất lực.
    • Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ mà còn gây hại cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Quan trọng hơn cả là khi tiếp cân cuộc sống một cách hung hăng thụ động, bạn sẽ không bao giờ có thể tranh đấu cho bản thân mình.
  4. How.com.vn Tiếng Việt: Step 4 Khiến những điều tiêu cực trở nên tích cực.
    Một cách khác để tự tranh đấu cho bản thân là hãy đón nhận những điều tiêu cực và biến chúng thành những điều tốt. Khi biến những lời công kích thành những điều tích cực, bạn sẽ thấy những lời công kích đó xuất phát từ sự đố kỵ hoặc sợ hãi. Ví dụ:
    • Nếu ai đó nhận xét rằng bạn rất hách dịch, thay vì thu mình lại, hãy coi đó là một minh chứng rằng bạn là người có tố chất lãnh đạo, có khả năng quản lý nhân sự và các dự án, và là người tiên phong trong công việc.
    • Nếu ai đó nói rằng bạn là người nhút nhát, hãy coi đó như một lời khen rằng bạn không vội vàng lao vào những trào lưu mới nổi mà muốn cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định.
    • Nếu ai đó nói rằng bạn quá nhạy cảm hay dễ xúc động, hãy coi như điều đó chứng tỏ rằng bạn là người có trái tim nhân hậu và không ngại cho mọi người thấy điều đó.
    • Hay nếu ai đó nhận xét rằng bạn chưa dành hết tâm trí cho công việc - với bạn, đó là minh chứng rằng bạn đang sống một cuộc sống không áp lực và nó sẽ giúp bạn sống lâu hơn.
  5. How.com.vn Tiếng Việt: Step 5 Không bỏ cuộc.
    Dù có cố gắng hết sức để trở nên tự tin, có những ngày bạn sẽ lại cảm thấy mình rất tự ti.
    • Thay vì coi đó là một thất bại trong việc cố gắng học cách tranh đấu cho bản thân, bạn hãy nghĩ đơn giản – đó chỉ là một hoặc vài ngày mà mọi thứ tạm thời đi lệch ra khỏi quỹ đạo trước khi bạn cảm thấy tốt hơn và lấy lại phong độ. Bạn có thể lấy lại phong độ bằng những cách sau:
    • Giả vờ cho đến khi thành thật. Bạn hãy cứ tỏ ra tự tin cho dù là không phải vậy.
    • Nhất quán trong cách hành xử. Dần dần mọi người quen với việc bây giờ bạn là người có thể tranh đấu cho bản thân.
    • Đối với một vài người, việc bạn giữ thái độ quả quyết sẽ khó khăn hơn. Sẽ mất chút thời gian để bạn có thể điều chỉnh cách đối xử với những người đã quen lấn lướt bạn. Đôi khi, bạn sẽ nhận ra mình chẳng còn muốn liên quan đến họ nữa. Nếu bạn muốn, hãy cứ làm như vậy.
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Hãy chuẩn bị trước những điều bạn muốn nói hoặc muốn làm.
  • Yêu bản thân nhiều nhất có thể. Đừng xấu hổ vì mình sợ hãi, dần dần bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
  • Hãy mỉm cười. Nếu bạn không sợ hãi hay bị đe doạ, hãy mỉm cười để cho mọi người thấy rằng -- bạn không hề run sợ.
  • Nói với giọng tự tin, khỏe khoắn và kiên định. Hãy dùng sức mạnh và sự tự tin trong lời nói để thể hiện suy nghĩ và quan điểm của bạn.
  • Tránh hét vào mặt người khác, điều này chỉ khiến họ có lý do để cười bạn hoặc khiến tình hình trở nên tệ hơn và cũng thể hiện rõ ràng là bạn đã mất kiểm soát. Ngay cả một người nhút nhát cũng sẽ có lúc bùng nổ.
  • Sẵn sàng thay đổi cách mọi người nhìn nhận bạn và cách bạn tương tác với họ là vô cùng quan trọng. Nếu đã chán phải làm chân sai vặt, người cả nể, bị bắt nạt và lợi dụng, thì bạn cần thay đổi rồi đấy.
  • Nếu không chắc về việc mình làm khi tranh đấu cho bản thân, bạn hãy ghi nhớ để sau này ngẫm nghĩ lại. Khi đứng trước người khác, sự nghi hoặc bản thân chỉ khiến bạn càng thêm bối rối. Sau khi đấu tranh cho mình, bạn sẽ có rất nhiều thời gian để nghĩ lại.
  • Tìm cách hoá giải tổn thương từ những gian khổ trong cuộc sống. Thực tế thì ai cũng sẽ có lúc thăng lúc trầm; cách chúng ta đối mặt với cuộc sống sẽ thay đổi tất cả. Những gì bạn cần làm chỉ đơn giản là ngừng nhận những thứ tiêu cực về mình, để làm được điều đó thì nhiều người sẽ cần vượt qua những suy nghĩ tiêu cực và hướng chúng thành những điều tích cực hơn.
  • Đừng nghĩ là mình nhỏ bé hơn, mà luôn ngang bằng với người khác.
  • Hãy dựa vào bạn bè và những người đáng tin cậy khi bạn không thể tự mình đứng lên – tranh đấu cho bản thân không nhất thiết phải là một hành trình đơn độc.
  • Hãy tranh đấu cho bản thân như một người mạnh mẽ. Ranh giới giữa tự bảo vệ mình và hành động thô lỗ rất mong manh. Khi tranh đấu cho người khác cũng vậy. Hãy làm điều tốt cho người khác và giúp đỡ người gặp khó khăn. Làm vậy không những bạn học được cách bảo vệ mình, bảo vệ người khác mà còn dần dần khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
  • Đừng thiên vị. Dù là bạn thân của bạn làm điều gì đó sai trái, chẳng hạn như bắt nạt hay bạo hành người khác, bạn cũng nên bảo vệ cho người bị hại.

Cảnh báo

  • Đừng lo lắng khi người khác chất vấn tại sao bạn trở nên quả quyết như vậy; bạn luôn có thể cho họ lời khuyên nhưng không cần phải giải thích, xin lỗi hay tiếp tục bám dính lấy họ. Cuộc sống là của bạn, hãy tranh đấu cho chính mình!
  • Những chia sẻ này chỉ là những gợi ý, không phải các quy tắc. Quy tắc nằm ở trong tim, được xây dựng từ chính các trải nghiệm và sở thích của bạn. Hãy chọn lọc những gì cần thiết và bỏ đi những thứ bạn cảm thấy không phù hợp.
  • Hãy tránh nói kiểu như "Tôi cần phải đứng lên tranh đấu cho chính mình". Điều đó thể hiện rằng bạn chưa thật tự tin mà chỉ đang tìm cách cố gắng. Đừng để người khác nghĩ như vậy; thay vào đó hãy cho họ biết rằng bạn đã sẵn sàng tự bảo vệ mình.
  • Đôi khi, những người khác khi tự tranh đấu cho bản thân họ sẽ có thể trở nên thù địch với bạn. Bằng trực giác, bạn sẽ cảm nhận được nỗi đau và sự yếu đuối của họ vì đó chính là những gì bạn từng trải qua. Tuy nhiên đừng vì thế mà mất cảnh giác và để họ khiến bạn bị tổn thương hay thiếu tôn trọng. Hãy giúp họ vượt qua cảm giác không an toàn nếu có thể, nhưng đừng để bị cuốn vào sự đau khổ đó.
  • Đừng cố hoà hợp với những người muốn thay đổi bạn. Hãy kết bạn với những người chấp nhận con người thật của bạn và chắc chắn rằng họ là những người bạn tốt.

Tham khảo

  1. Nicholas Boothman, How to Make People Like You in 90 Seconds or Less, Chapter 4, (2000), ISBN 0-9578081-8-6
  2. http://www.everydayhealth.com/emotional-health/standing-up-for-yourself.aspx
  3. Nicholas Boothman, How to Make People Like You in 90 Seconds or Less, pp. 49-50, (2000), ISBN 0-9578081-8-6
  4. http://www.psychologytoday.com/blog/evolution-the-self/201209/how-and-how-not-stand-yourself

Về bài How.com.vn này

How.com.vn là một trang "wiki", nghĩa là nhiều bài viết ở đây là nội dung của nhiều tác giả cùng viết nên. Để tạo ra bài viết này, 121 người, trong đó có một số người ẩn danh, đã thực hiện chỉnh sửa và cải thiện bài viết theo thời gian. Bài viết này đã được xem 6.194 lần.
Trang này đã được đọc 6.194 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

⚠️ Disclaimer:

Content from Wiki How Tiếng Việt language website. Text is available under the Creative Commons Attribution-Share Alike License; additional terms may apply.
Wiki How does not encourage the violation of any laws, and cannot be responsible for any violations of such laws, should you link to this domain, or use, reproduce, or republish the information contained herein.

Notices:
  • - A few of these subjects are frequently censored by educational, governmental, corporate, parental and other filtering schemes.
  • - Some articles may contain names, images, artworks or descriptions of events that some cultures restrict access to
  • - Please note: Wiki How does not give you opinion about the law, or advice about medical. If you need specific advice (for example, medical, legal, financial or risk management), please seek a professional who is licensed or knowledgeable in that area.
  • - Readers should not judge the importance of topics based on their coverage on Wiki How, nor think a topic is important just because it is the subject of a Wiki article.

Quảng cáo