Cách để Phát biểu hay và tự tin

Tải về bản PDFTải về bản PDF

Giao tiếp tốt là chìa khóa để mở cánh cửa thành công, cho dù bạn đang nói chuyện trước đám đông khán giả hay đang cố gắng thuyết phục một người bạn mới. Để nói lưu loát và tự tin, bạn phải tin vào bản thân, nói chậm rãi và cẩn thận, đồng thời tin chắc vào những điều mình đang nói. Nếu bạn muốn biết cách nói sao cho thông minh và sâu sắc, hãy xem bước 1 dưới đây để bắt đầu thực hiện.

Phần 1
Phần 1 của 3:

Tự tin khi nói

Tải về bản PDF
  1. How.com.vn Tiếng Việt: Step 1 Phát biểu ý kiến với sự tin tưởng.
    Trước khi nói, bạn phải thực sự tin vào điều mình nói, bất kể là bạn đang khen album mới của Uyên Linh rất hay hoặc tranh luận rằng khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng phải là sự quan tâm hàng đầu của chính phủ. Bạn không cần lên giọng ngạo mạn mới có thể thuyết phục mọi người hoặc tỏ ra thực sự tin vào những điều mình nói mà không cần phải quay sang người khác để tìm sự đồng thuận.[1]
    • Tất cả phụ thuộc vào cách phát biểu của bạn. Nếu mở đầu bằng câu, “Tôi nghĩ là…” hoặc, “Nhưng mà có lẽ là…” thì tất cả những điều bạn sắp nói ra nghe sẽ kém hiệu lực so với khi bạn khẳng định ngay.
  2. How.com.vn Tiếng Việt: Step 2 Giao tiếp bằng mắt.
    Thứ nhất, đó là phép lịch sự khi nói chuyện. Thứ nhì, sự tiếp xúc bằng ánh mắt sẽ khiến người khác lắng nghe bạn nói. Bạn hãy tìm vài gương mặt thân thiện và tập trung vào họ để thêm phần tự tin khi phát biểu và giúp cho việc truyền tải thông tin được rõ ràng hơn. Bạn sẽ thiếu đi vẻ tự tin nếu nhìn xuống sàn; và nếu liếc nhìn xung quanh, mọi người có thể sẽ nghĩ rằng bạn đang bị phân tâm hoặc đang tìm kiếm thứ gì đó hay hơn.[2]
    • Nhìn vào mắt mọi người khi nói chuyện – bạn có thể nhìn đi chỗ khác một vài giây để thả lỏng, nhưng nói chung, bạn hãy tập trung nhìn vào mắt mọi người khi nói chuyện với họ.
    • Nếu bạn thấy ai đó có vẻ bối rối hoặc lo lắng khi nghe bạn nói, có thể bạn sẽ băn khoăn không biết phần trình bày của mình có đủ rõ ràng hay chưa. Tuy nhiên, bạn đừng để sự bối rối của một người khiến bạn đi lạc hướng.
    • Nếu đang thuyết trình trước một đám đông khán giả, bạn khó có thể thực sự tiếp xúc bằng mắt; khi đó bạn hãy tập trung nhìn vào một vài người trong số khán giả.
  3. How.com.vn Tiếng Việt: Step 3 Tự khen ngợi mình mỗi ngày.
    Điều này sẽ giúp bạn tăng thêm lòng tự tin, và đó là một yếu tố quan trọng khi bạn nói chuyện. Khi bạn tự tin, mọi người sẽ xem trọng suy nghĩ của bạn hơn. Bạn không cần phải nghĩ rằng mình là người hoàn hảo mới có thể tự khen mình và cảm thấy mình thú vị. Hãy nhớ về mọi điều tuyệt vời mà bạn đã hoàn thành và hết sức phấn đấu để đạt được. Nhìn vào gương và nói ít nhất ba điều về bản thân mình, hoặc lập một danh sách về mọi điều tốt đẹp vốn làm nên con người bạn.[3]
    • Nếu không thể nghĩ ra được điều gì để tự khen ngợi mình, bạn sẽ phải cố gắng nâng cao sự tự tin. Xây dựng lòng tự trọng bằng cách tập trung vào những điều bạn làm giỏi, sửa chữa những khuyết điểm và dành thời gian ở bên cạnh những người thực sự quan tâm đến bạn và giúp bạn cảm thấy hài lòng về bản thân.
  4. How.com.vn Tiếng Việt: Step 4 Sử dụng các chiến thuật nhanh để nói tốt hơn.
    Có thể đôi khi bạn sẽ phải nói trước công chúng. Mặc dù việc này có vẻ đáng sợ, nhưng lợi ích mà khả năng nói tốt đem lại sẽ lớn hơn bất cứ nỗi sợ hãi nào mà bạn cảm thấy. Để trở thành diễn giả tốt hơn, bạn hãy ghi nhớ những điều sau đây (được rút ngắn để dễ nhớ):
    • Lên kế hoạch hợp lý.
    • Tập luyện.
    • Giao lưu với khán giả.
    • Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể.
    • Giữ thái độ tích cực khi suy nghĩ cũng như khi nói.
    • Giữ bình tĩnh.[4]
    • Xem lại phần ghi âm bài phát biểu của bạn. Điều này sẽ giúp bạn lần sau tiến bộ hơn lần trước.
  5. How.com.vn Tiếng Việt: Step 5 Quan sát khán phòng.
    Đến sớm, đi một lượt xung quanh nơi bạn sẽ thuyết trình, thử micro và các phương tiện hỗ trợ bằng hình ảnh. Chắc chắn bạn sẽ bớt hồi hộp hơn khi bạn biết rằng mình sẽ phải đối mặt với khó khăn gì, biết chỗ đứng của mình khi thuyết trình, khán giả là những ai và những gì có thể xảy ra khi bạn đang nói. Sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn biết mình đang đối mặt với những gì thay vì bị bất ngờ và mất đi sự tự tin vào ngày trọng đại này.
    • Nếu muốn làm quen với khán phòng, bạn cũng có thể đến đó vào hôm trước để có ý niệm về căn phòng.
  6. How.com.vn Tiếng Việt: Step 6 Tưởng tượng về sự thành công.
    Hình dung cảnh bạn đang thuyết trình. Tưởng tượng rằng bạn đang nói, giọng nói của bạn to, rõ và thuyết phục. Nghĩ đến cảnh khán giả đang vỗ tay – cảnh này sẽ giúp bạn nâng cao lòng tự tin. Hãy nhắm mắt lại và hình dung rằng bạn là một người tự tin và lưu loát đang đứng trước khán giả và mê hoặc họ bằng lời nói của mình. Hoặc nếu bạn lo lắng khi phát biểu trước một nhóm ít người hơn, hãy nghĩ rằng mình đang gây ấn tượng cho một nhóm bạn bè. Những cảnh mà bạn mong muốn được nhìn thấy có thể giúp bạn thành công.
    • Khi giờ phút trọng đại sắp đến, bạn hãy nhớ lại những cảnh đã hiện lên trong đầu bạn – bạn sẽ làm gì để đạt được điều đó?
  7. How.com.vn Tiếng Việt: Step 7 Biết khán giả là ai.
    Bạn có thể nói một cách tự tin hơn khi biết về những người đang nghe mình nói. Nếu bạn thuyết trình trước một đám đông khán giả, điều quan trọng là bạn cần biết họ đến từ đâu, thuộc lứa tuổi nào và biết về kiến thức chung của họ liên quan đến chủ đề mà bạn sẽ nói. Điều này có thể giúp bạn chuẩn bị từ ngữ sao cho thích hợp. Nếu bạn nói trước một nhóm người, việc tìm hiểu càng nhiều càng tốt về khán giả - quan điểm chính trị hay óc hài hước của họ - có thể giúp bạn nói đúng (và tránh nói sai).
    • Một trong những lý do khiến mọi người lo lắng khi phát biểu là họ ngại ngần vì những điều chưa biết; đó là lý do vì sao bạn phải nắm được càng nhiều thông tin càng tốt.
  8. How.com.vn Tiếng Việt: Step 8 Thể hiện ngôn ngữ cơ thể tự tin.
    Ngôn ngữ cơ thể sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin và trông có vẻ tự tin hơn. Nếu muốn có ngôn ngữ cơ thể tự tin, sau đây là những điều bạn nên làm:
    • Có tư thế tốt
    • Tránh buông thõng người
    • Không ngọ nguậy hai tay
    • Tránh bồn chồn bước tới bước lui
    • Nhìn thẳng đằng trước thay vì nhìn xuống sàn
    • Thả lỏng mặt và cơ thể
  9. How.com.vn Tiếng Việt: Step 9 Hiểu rõ về nội dung.
    Chọn chủ đề mà bạn thấy hứng thú. Tìm hiểu về chủ đề đó nhiều hơn những điều bạn định thuyết trình hoặc đối thoại. Khi biết nhiều về chủ đề định thuyết trình, bạn sẽ tự tin hơn khi nói về chủ đề đó. Nếu bạn chỉ chuẩn bị những điều định nói vào tối hôm trước và lo sợ rằng không biết trả lời thế nào khi bị hỏi, bạn sẽ không thể luôn tự tin được. Bạn cần nắm vững khối lượng kiến thức nhiều gấp 5 lần nội dung sắp trình bày để sẵn sàng cho sự kiện quan trọng này.
    • Nếu định dành thời gian cho phần hỏi đáp sau khi thuyết trình, bạn có thể tập luyện trước với một người bạn; nhờ người bạn đó đặt ra các câu hỏi khó để giúp bạn chuẩn bị cho những điều có thể xảy ra.
    Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 3:

Trình bày tốt bài thuyết trình

Tải về bản PDF
  1. How.com.vn Tiếng Việt: Step 1 Nói to vừa đủ để mọi người có thể nghe được.
    Mặc dù không nên hét to, nhưng bạn vẫn cần nói với âm lượng vừa đủ để người nghe không phải đề nghị bạn lặp lại. Khi bạn nói nhỏ, mọi người sẽ nghĩ rằng bạn rụt rè và không tự tin vào những điều bạn đang nói – và rằng bạn không thực sự muốn được lắng nghe.[5]
    • Nếu giọng nói của bạn quá nhỏ, không những mọi người không nghe được mà bạn còn có vẻ phục tùng, ngược lại với phong thái tự tin.
    • Tuy nhiên, bạn không nên nói quá to, lấn át người khác để buộc mọi người phải nghe. Chỉ riêng những lời nói của bạn cũng có thể thu hút sự chú ý của mọi người.
  2. How.com.vn Tiếng Việt: Step 2 Mở rộng vốn từ vựng.
    Bạn nên đọc càng nhiều càng tốt, từ các tạp chí trực tuyến cho đến các tác phẩm văn học kinh điển như Anna Karenina. Càng đọc nhiều, bạn càng biết nhiều, đồng thời vốn từ vựng của bạn càng dồi dào. Bạn sẽ học được những từ mới và hiểu những cách diễn đạt mới mà chính bạn cũng không nhận ra điều đó; chẳng mấy chốc bạn sẽ áp dụng những từ ngữ mà bạn đã đọc vào lời nói của mình. Vốn từ vựng phong phú là điều bắt buộc phải có nếu bạn thực sự muốn nói sao cho hay.
    • Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn phải “phun châu nhả ngọc” trong bài phát biểu hoặc trong hội thoại hàng ngày. Chỉ cần một vài từ đắt giá cũng có thể khiến bài phát biểu của bạn thông minh hơn mà không có vẻ như quá cố gắng.
    • Ghi nhật ký từ vựng. Viết lại tất cả các từ mới mà bạn bắt gặp khi đọc và ghi rõ định nghĩa của chúng.
  3. How.com.vn Tiếng Việt: Step 3 Tránh dùng tiếng lóng.
    Nếu muốn nói hay, bạn không nên sử dụng từ lóng hoặc quá nhiều cách diễn đạt tùy tiện. Tất nhiên, nếu khán giả là những thanh niên trẻ và thời thượng, bạn sẽ không muốn tỏ ra trịnh trọng hoặc khoa trương, nhưng bạn nên tránh nói những từ ngữ như, “mấy đứa”, “vãi” hoặc “hơi bị được” hoặc bất cứ tiếng lóng nào trong trào lưu hiện nay.
    • Tất nhiên, bạn có thể dùng tiếng lóng nếu chỉ nói chuyện với bạn bè, nhưng nếu bạn đang phát biểu trước các khán giả chín chắn hơn và muốn nói cho hay thì nên tránh cách diễn đạt này.
  4. How.com.vn Tiếng Việt: Step 4 Đừng sợ ngắt giọng.
    Một số người xem việc tạm ngừng lời là dấu hiệu kém cỏi, nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Bạn có thể ngừng lại một chút để suy nghĩ và chuẩn bị cho phần tiếp theo. Tình hình sẽ tệ hơn nhiều nếu bạn nói quá nhanh, dông dài, thiếu mạch lạc hoặc hoảng sợ, thậm chí lỡ lời nói ra một điều mà ngay sau đó bạn phải hối hận. Việc nói chậm lại và thận trọng hơn cũng bao gồm việc ngắt giọng sao cho tự nhiên.
    • Nếu có sử dụng những từ dùng để ngắt giọng (như “ừm” hay “ờ”) trong khi nói, bạn cũng đừng lo lắng. Đó chỉ là một cách tự nhiên để sắp xếp lại ý nghĩ, thậm chí tổng thống Mỹ Obama cũng thường xuyên làm như vậy. Nếu nghĩ rằng mình đang sử dụng quá nhiều, bạn có thể cố gắng giảm bớt, nhưng đừng cho rằng phải tránh hoàn toàn.
  5. How.com.vn Tiếng Việt: Step 5 Sử dụng điệu bộ chỉ khi cần thiết.
    Ra điệu bộ khi nói chuyện là một cách tuyệt vời để diễn giải suy nghĩ và nhấn mạnh lời nói của bạn. Tuy nhiên, bạn đừng sử dụng tay hoặc ra điệu bộ quá nhiều khi nói, nếu không, trông bạn có vẻ hoảng sợ cứ như là bạn phải dùng cử chỉ bù lại vì không đủ ngôn từ để diễn tả. Thay vì thế, bạn hãy để tay hai bên và ra điệu bộ khi đến những điểm quan trọng để tăng sức thuyết phục.
  6. How.com.vn Tiếng Việt: Step 6 Nói súc tích hơn.
    Một yếu tố khác đề nói sao cho hay là biết điều gì không nên nói. Có thể bạn nghĩ rằng phải đưa ra hàng chục ví dụ để chứng minh một điểm nào đó. Tuy nhiên trong thực tế, có thể bạn chỉ cần một hoặc hai ví dụ và ý tưởng của bạn sẽ ấn tượng hơn. Đó là nhờ bạn đã chọn các điểm hay nhất thay vì đem tất cả mọi thứ bày ra trước khán giả. Nếu bạn đang thuyết trình, mỗi từ bạn nói ra phải có ý nghĩa; nếu bạn chỉ nói chuyện với bạn bè thì tránh nói dông dài vẫn là tốt nhất.
    • Nếu đang chuẩn bị phát biểu, bạn hãy viết ra và đọc to lên. Khi bài phát biểu được đọc to lên, bạn sẽ thấy chỗ nào bị lặp lại và những từ nào cần cắt bớt.
  7. How.com.vn Tiếng Việt: Step 7 Lặp lại những điểm chính.
    Có thể bạn nghĩ rằng chỉ cần nói đến các điểm chính một lần là đã đủ, và khán giả sẽ nắm được điều quan trọng nhất. Nghĩ như vậy thì nghĩa là bạn đã sai rồi đấy. Nếu có một số điểm mà bạn thực sự muốn thuyết phục khán giả, cho dù là nói chuyện trước đám đông hoặc đang cố gắng chứng minh trong một cuộc tranh luận với bạn bè, việc nhắc lại những điểm chính lần nữa (thường đặt ở gần cuối bài phát biểu hoặc cuộc đối thoại) sẽ giúp bạn khẳng định lại thông điệp muốn nói và làm rõ hơn lý lẽ của bạn.
    • Nghĩ về phương pháp viết bài luận. Bạn cần nhắc lại các điểm chính ở cuối mỗi đoạn văn và trong phần kết luận phải không nào? Bài phát biểu của bạn cũng tương tự như vậy.
  8. How.com.vn Tiếng Việt: Step 8 Dùng các ví dụ cụ thể để thuyết phục khán giả.
    Các ví dụ cụ thể luôn song hành với bất cứ bài phát biểu hoặc cuộc đối thoại nào. Cho dù muốn thuyết phục khán giả sử dụng năng lượng tái tạo hoặc khuyên cô bạn thân bỏ anh chàng bạn trai luôn thất bại đó đi, bạn đều nên đưa ra một vài sự thực khách quan và vững chắc để thu hút sự chú ý của người nghe. Chọn các số liệu thống kê, các giai thoại hoặc những câu chuyện có thể chứng minh luận điểm của bạn một cách thuyết phục. Nhớ rằng bạn không cần trưng ra hàng nghìn dữ liệu thống kê – chỉ cần sử dụng một vài dẫn chứng mấu chốt để người nghe có thể nhớ được.
    • Kể một hoặc hai câu chuyện. Một câu chuyện mở đầu bài phát biểu hoặc kể vào cuối bài nói chuyện có thể nói lên các điểm chính của bạn với nhiều cảm xúc hơn.
    Quảng cáo
Phần 3
Phần 3 của 3:

Nâng lên một tầm cao mới

Tải về bản PDF
  1. How.com.vn Tiếng Việt: Step 1 Thiết lập trình tự.
    Bắt đầu bằng việc chào khán giả. Việc này giúp bạn có thêm thời gian và giữ bình tĩnh. Ngừng một chút, mỉm cười và đếm đến ba trước khi bắt đầu nói. (Đếm một và một ngàn – hai và một ngàn – ba và một ngàn. Ngắt giọng. Mỉm cười). Biến năng lượng của sự hồi hộp thành sự hăng hái. Nói chung, bạn hãy tìm ra bất cứ cách nào có tác dụng với mình. Một tách trà bạc hà cay trước khi lên bục phát biểu có thể giúp ích cho bạn, hoặc cách năm phút uống một chút nước cũng sẽ có lợi. Khi đã tìm được điều gì có hiệu quả, bạn hãy bám vào đó.
    • Bạn cũng có thể tạo thói quen khi nói chuyện với bạn bè. Tìm một hành động nào đó có thể giúp bạn lấy lại bình tĩnh khi bạn hồi hộp, dù là nghịch quả bông để trong túi áo hay mỉm cười nhiều hơn một chút.
  2. How.com.vn Tiếng Việt: Step 2 Thực hành, thực hành và thực hành.
    Tập dượt bằng cách nói thành tiếng cùng các thiết bị bạn định sử dụng. Duyệt lại nếu cần thiết. Cố gắng kiểm soát các từ đệm; tập nói, ngắt giọng và thở. Canh giờ khi tập luyện và dành thời gian cho sự cố bất ngờ. Càng thực hành nhiều, bạn càng nói hay và tự nhiên hơn khi đến lúc thuyết trình. Và càng biết rõ những điều cần nói, bạn sẽ càng tự tin hơn khi nói.[6]
  3. How.com.vn Tiếng Việt: Step 3 Tránh xin lỗi.
    Đừng xin lỗi khi bạn hồi hộp hoặc lỡ nói sai, vì như vậy là bạn đã khiến khán giả chú ý vào lỗi đó. Bạn chỉ cần tiếp tục nói những gì cần nói, và mọi người sẽ quên mất trước đó bạn đã nói gì. Những câu như “Xin lỗi các bạn, tôi hồi hộp quá”, hay “Ồ, tôi thật là vụng về” sẽ chỉ khiến tình hình thêm lúng túng và ngượng ngập. Ai cũng có lúc sơ xuất, và bạn không cần phải thừa nhận điều này, trừ khi bạn thực sự có khiếu tự trào.
  4. How.com.vn Tiếng Việt: Step 4 Tập trung vào nội dung bài phát biểu thay vì môi trường xung quanh.
    Chuyển hướng chú ý từ sự hồi hộp sang nội dung bài phát biểu và người nghe. Điều quan trọng nhất là diễn giải ý tưởng của bạn, không phải là để trông như Steve Jobs khi thuyết trình. Áp lực sẽ nhẹ hơn nếu bạn ít tập trung vào bản thân. Trước khi nói, bạn hãy tự nhắc mình rằng thông điệp mà bạn muốn chuyển tải quan trọng như thế nào, và tại sao việc này lại quan trọng đối với bạn. Điều này sẽ giúp bạn bớt lo rằng liệu mình nói có quá nhanh không hoặc có toát mồ hôi nhiều quá không.
  5. How.com.vn Tiếng Việt: Step 5 Thu thập kinh nghiệm.
    Điều chủ yếu là bài nói của bạn phải đại diện cho bạn với tư cách một tác giả và một con người. Kinh nghiệm sẽ giúp xây dựng lòng tự tin, và đó là điều then chốt để có một bài phát biểu hiệu quả. Câu lạc bộ Toastmasters có thể giúp bạn thu thập những kinh nghiệm cần thiết trong một môi trường an toàn và thân thiện. Việc tạo thói quen phát biểu hoặc nói trước công chúng sẽ đưa bạn đến thành công. Khi thực hành càng nhiều, bạn sẽ càng nói hay hơn, cho dù bạn chỉ muốn nói chuyện một cách tự tin trước bạn bè và người lạ. Kỹ năng này cũng tương tự như mọi kỹ năng khác.
  6. How.com.vn Tiếng Việt: Step 6 Hiểu rằng mọi người đều mong bạn thành công.
    Khán giả mong muốn bạn nói chuyện hay, truyền cảm hứng, cung cấp thông tin bổ ích và lý thú. Khán giả sẽ ủng hộ bạn. Hãy suy nghĩ tích cực về những điều bạn phải làm trước khi bắt đầu và hiểu rằng không ai muốn bạn nói lỡ lời, vấp váp hoặc quên những điều định nói. Mọi người đều muốn điều tốt nhất cho bạn, và bạn cũng nên như vậy. Thuyết trình có thể là một việc đáng sợ, cho dù là diễn thuyết trước một đám đông bằng với lượng khán giả ở sân bóng đá hay chỉ là nói trước lớp, bạn cũng nên hiểu rằng mọi người đều muốn bạn có biểu hiện tốt nhất.
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Việc thực hành thực sự có thể đem lại sự hoàn hảo. Nếu bạn sắp thuyết trình thì việc tập dượt trước sẽ giúp bạn nói rõ ràng và tự tin trong ngày quan trọng đó.
  • Những lần ngắt giọng có thể khiến bạn giống như đang quên hoặc không biết phải nói gì khi đang nói. Tuy nhiên trong thực tế, những khoảng dừng này có thể được sử dụng để thu hút sự chú ý của khán giả. Nếu thấy khán giả mất hứng thú khi nghe bạn nói hoặc khi cần nhấn mạnh điều nào đó, bạn chỉ cần ngừng lại một chút!
  • Nếu bạn là người rụt rè hoặc cảm thấy không thoải mái lắm khi giao tiếp bằng mắt, vậy thì bạn đừng nhìn thẳng vào mắt mọi người; vì điều này sẽ khiến bạn bối rối! Thay vì thế, bạn nên nhìn lướt trên đầu của mọi người, nhưng nhớ chuyển động mắt để không trông như bạn đang tập trung vào thứ gì khác, vì điều đó sẽ làm mất sự chú ý của khán giả.
  • Nếu bạn đang ở trong một căn phòng toàn người lạ, hãy nghĩ về những người thân yêu của bạn và tưởng tượng họ đang cổ vũ bạn.
  • Nếu bạn nói trước một nhóm người mà bạn ngại giao tiếp bằng mắt, hãy nhìn bên trên đầu họ! Như vậy trông như bạn đang nhìn vào họ. Nhưng nhớ đảm bảo tóc họ phải đẹp nhé!
  • Ăn mặc thích hợp là điều quan trọng. Luôn mặc trang phục hợp với dáng vóc của bạn. Bạn cũng đừng ngại diện đẹp hơn một chút.

Cảnh báo

  • Nhớ rằng ranh giới giữa tự tin và ngạo mạn khá mong manh. Bạn đừng tạo nên hình ảnh tự tin quá mức; bằng không, bạn sẽ có vẻ kiêu ngạo và quá tự tin. Không gì tệ hơn khi bạn ra vẻ rằng ý kiến của bạn hay hơn ý kiến của tất cả mọi người.
  • Bên cạnh việc phát biểu ý kiến của mình, bạn cũng đừng quên nghe những người khác nói! Nếu không, mọi người có thể cho rằng bạn ích kỷ, đồng thời bạn sẽ đánh mất những điều bổ ích từ những đóng góp quý giá của họ.

Về bài How.com.vn này

How.com.vn là một trang "wiki", nghĩa là nhiều bài viết ở đây là nội dung của nhiều tác giả cùng viết nên. Để tạo ra bài viết này, 42 người, trong đó có một số người ẩn danh, đã thực hiện chỉnh sửa và cải thiện bài viết theo thời gian. Bài viết này đã được xem 22.750 lần.
Chuyên mục: Diễn thuyết
Trang này đã được đọc 22.750 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

⚠️ Disclaimer:

Content from Wiki How Tiếng Việt language website. Text is available under the Creative Commons Attribution-Share Alike License; additional terms may apply.
Wiki How does not encourage the violation of any laws, and cannot be responsible for any violations of such laws, should you link to this domain, or use, reproduce, or republish the information contained herein.

Notices:
  • - A few of these subjects are frequently censored by educational, governmental, corporate, parental and other filtering schemes.
  • - Some articles may contain names, images, artworks or descriptions of events that some cultures restrict access to
  • - Please note: Wiki How does not give you opinion about the law, or advice about medical. If you need specific advice (for example, medical, legal, financial or risk management), please seek a professional who is licensed or knowledgeable in that area.
  • - Readers should not judge the importance of topics based on their coverage on Wiki How, nor think a topic is important just because it is the subject of a Wiki article.

Quảng cáo