Tải về bản PDFTải về bản PDF

Sống tử tế là cách cơ bản để mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Không chỉ vậy, sự tử tế còn đem niềm vui đến cho những người ở quanh ta. Sống tử tế giúp ta giao tiếp tốt hơn, có lòng trắc ẩn sâu sắc hơn và cũng tạo ra nguồn lực tích cực trong cuộc sống của mỗi người. Sự tử tế là điều thuần khiết ẩn sâu bên trong bạn, và bên cạnh những người tử tế từ khi sinh ra, ai cũng có thể lựa chọn để nuôi dưỡng sự tử tế vốn có của mình.

Phần 1
Phần 1 của 3:

Phát triển quan điểm sống tử tế

Tải về bản PDF
  1. How.com.vn Tiếng Việt: Step 1 Quan tâm đến người khác một cách chân thành.
    Ở mức độ cơ bản nhất, sự tử tế thể hiện qua việc bạn quan tâm chân thành đến những người xung quanh, mong muốn điều tốt đẹp nhất cho họ, và nhận ra rằng họ cũng có những mong muốn, nhu cầu, nguyện vọng, thậm chí là nỗi sợ hãi giống như bạn. Tử tế chứa đựng sự ấm áp, sôi nổi, nhẫn nại, cảm giác tin tưởng, sự trung thành và lòng biết ơn.[1] Piero Ferrucci quan niệm tử tế là việc "không cần nhiều nỗ lực" vì nó giải phóng chúng ta khỏi sự bóp nghẹt của thái độ và cảm xúc tiêu cực, ví dụ như oán giận, ghen tuông, ngờ vực và thao túng.[2] Xét cho cùng, tử tế là quan tâm sâu sắc đến mọi sự sống.
    • Thực hành đối xử tử tế và hào phóng với người khác. Việc không có cơ hội thực hành, cảm thấy ngượng ngùng hoặc không biết cách gắn kết với người khác chỉ có thể vượt qua được thông qua hành động; bằng việc liên tục cố gắng, bạn sẽ dần có sự thôi thúc tự nhiên để cư xử tử tế và cho đi nhiều hơn.
    • Không đòi hỏi sự đền đáp. Sự tử tế cao cả không mong đợi bất kỳ điều gì, không ràng buộc và không đặt điều kiện trong bất kỳ hành động hoặc lời nói nào.
  2. How.com.vn Tiếng Việt: Step 2 Đừng tử tế chỉ vì bạn muốn đạt được điều mà mình mong muốn.
    Hãy cẩn trọng với sự tử tế đầy ảo tưởng. Sự tử tế không phải là "sự lịch thiệp vì lợi ích cá nhân, sự hào phóng có toan tính, phép xã giao hời hợt".[3] Tử tế không phải là đối xử tốt với người khác vì bạn chắc rằng điều đó sẽ thao túng họ, buộc họ đem đến thứ mà bạn mong muốn, hay trở thành công cụ kiểm soát họ. Tử tế không phải là vờ vịt quan tâm đến ai đó khi bạn đang kìm nén cơn giận dữ hay vẻ khinh miệt; kể cả việc che giấu cơn thịnh nộ hay sự thất vọng đằng sau những câu bông đùa giả dối cũng không phải là tử tế.
    • Cuối cùng, việc trở thành người cả nể cũng không phải là tử tế; đây là hành vi nhượng bộ và không muốn gây rắc rối, vì bạn e sợ rằng chỉ cần mình làm gì đó khác đi thì mọi chuyện sẽ đổ vỡ.
  3. How.com.vn Tiếng Việt: Step 3 Tử tế với bản thân.
    Sai lầm mà nhiều người thường mắc phải là cố gắng tử tế với người khác nhưng lại không tập trung đối xử tử tế với bản thân. Nguyên nhân có thể là vì bạn không thích điều gì đó ở bản thân, nhưng thông thường thì mấu chốt vẫn là do bạn chưa hiểu rõ về chính mình. Điều đáng buồn khi bạn không hiểu rõ chính mình là sự tử tế của bạn dành cho mọi người có nguy cơ trở nên đầy ảo tưởng như đã miêu tả ở bước trước. Hoặc, sự tử tế đó có thể khiến bạn kiệt sức và vỡ mộng vì bạn đã đặt tất cả mọi người lên trước bản thân.
    • Khi hiểu về bản thân, bạn sẽ nhận ra điều gì đem đến nỗi đau và sự mâu thuẫn, đồng thời chấp nhận sự đối lập và thiếu nhất quán của mình. Ngoài ra, đây là cơ hội để bạn cải thiện những điều mà mình chưa hài lòng về bản thân. Từ đó, sự hiểu biết về bản thân giúp bạn tránh được việc áp đặt những mặt tiêu cực của mình lên người khác và dần dần bạn sẽ đối xử với người khác bằng tình yêu thương và sự tử tế.[4].
    • Dành thời gian để hiểu bản thân và dùng sự hiểu biết này để trở nên tử tế hơn với bản thân (hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều có khuyết điểm) và người khác. Như vậy, nỗi lo lắng trong lòng bạn sẽ được giải tỏa, thay vì kích động nhu cầu bộc lộ nỗi đau và sự tổn thương.
    • Tránh xem khoảng thời gian dành cho việc hiểu nhu cầu và giới hạn của bản thân là sự ích kỷ; ngược lại, đây là điều kiện tiên quyết để bạn có thể gắn kết với người khác bằng toàn bộ sức mạnh và sự nhận thức.
    • Tự hỏi bản thân thế nào là tử tế với chính mình. Với nhiều người, việc trở nên tử tế với chính mình là kiểm soát được tiếng nói trong suy nghĩ và dừng việc suy nghĩ tiêu cực.
  4. How.com.vn Tiếng Việt: Step 4 Học hỏi từ sự tử tế của người khác.
    Hãy nghĩ tới những người thực sự tử tế trong cuộc đời bạn và cảm giác họ đem đến cho bạn. Bạn có thấy sự ấm áp của họ trong tim mình mỗi khi nghĩ về họ? Khả năng là có, bởi sự tử tế sẽ đọng lại và sưởi ấm bạn, kể cả khi bạn phải đối mặt với những thử thách khó khăn nhất. Khi được người khác yêu thương vì chính con người thật của mình, bạn sẽ không thể quên được lòng tin của họ cũng như việc họ đã củng cố giá trị của bạn ra sao, và sự tử tế của những người đó sẽ tồn tại mãi mãi.
    • Hãy nhớ lại cảm giác khi sự tử tế của người khác đem đến niềm vui cho bạn. Điều gì trong sự tử tế của họ khiến bạn cảm thấy đặc biệt và được yêu thương? Liệu có điều gì trong hành động của họ mà bạn có thể làm lại tương tự một cách chân thành không?
  5. How.com.vn Tiếng Việt: Step 5 Nuôi dưỡng sự tử tế vì sức khỏe của chính bạn.
    Tinh thần khỏe mạnh và niềm hạnh phúc đều đến từ việc suy nghĩ tích cực, và sự tử tế là một trạng thái tinh thần tích cực. Tử tế là cho đi và mở lòng với người khác, nhưng cũng đem lại cho ta cảm giác trọn vẹn và sự gắn kết giúp cải thiện tinh thần và sức khỏe.
    • Dù có vẻ đơn giản, nhưng sự tử tế chứa đựng một phần thưởng vô cùng to lớn mà không gì có thể thay thế được và là nguồn lực thúc đẩy lòng tự trọng.[5]
  6. How.com.vn Tiếng Việt: Step 6 Tạo thói quen tập trung vào sự tử tế.
    Leo Babauta cho rằng tử tế là một thói quen mà tất cả mọi người đều có thể nuôi dưỡng. Ông gợi ý tập trung vào sự tử tế hàng ngày trong vòng một tháng. Khi kết thúc quá trình tập trung tuyệt đối này, bạn sẽ nhận ra những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống của mình và cảm thấy tốt hơn về bản thân; đồng thời phản ứng của những người xung quanh với bạn cũng khác đi, họ cũng sẽ đối xử tốt hơn với bạn. Theo ông, về lâu dài, sự tử tế chính là nghiệp quả.[6] Một số gợi ý để nuôi dưỡng sự tử tế bao gồm:
    • Làm một việc tử tế cho ai đó mỗi ngày. Đưa ra quyết định rõ ràng vào mỗi buổi sáng về hành động tử tế bạn sẽ thực hiện và dành thời gian để hoàn thành điều đó trong ngày.
    • Tử tế, thân thiện và thương cảm khi giao tiếp với người khác và kể cả với người thường khiến bạn giận dữ, căng thẳng hoặc khó chịu. Hãy biến sự tử tế thành sức mạnh của bạn.
    • Biến những hành động tử tế nhỏ nhặt thành lòng trắc ẩn to lớn. Tình nguyện giúp đỡ những người gặp khó khăn và chủ động san sẻ nỗi đau của người khác đều là những hành động to lớn chứa đựng lòng trắc ẩn.[7]
    • Thiền để lan tỏa sự tử tế. Hãy tìm hiểu cách thực hành Thiền Tâm từ (Metta).
  7. Step 7 Đối xử tử tế với tất cả mọi người, chứ không chỉ riêng những người "cần giúp đỡ".
    Hãy mở rộng phạm vi của sự tử tế. Chúng ta thường dễ dàng trở nên tử tế khi vô thức thực hiện điều mà Stephanie Dowrick gọi là "sự tử tế của kẻ bề trên".[8] Đây là thuật ngữ dùng để chỉ sự tử tế dành cho người mà chúng ta nghĩ rằng thực sự cần giúp đỡ (người ốm đau, nghèo khó, yếu thế và những người phù hợp với quan niệm của riêng ta). Trên thực tế thì việc đối xử tử tế với những người gần gũi bên chúng ta về mặt cảm xúc (như gia đình hoặc bạn bè) hoặc theo cách khác (cùng quốc gia, màu da, giới tính, v.v.) vẫn dễ dàng hơn việc tử tế với những người mà triết gia Hegel gọi là "nhóm còn lại". Chúng ta sẽ cảm thấy khó khăn hơn khi phải đối xử tử tế với những người mà bản thân cho là ngang hàng với mình, nhưng mọi nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng.
    • Vấn đề khiến ta dành sự tử tế cho những hoàn cảnh "thích hợp" là vì chúng ta không nhận ra việc cần phải đối xử tử tế với tất cả mọi người, bất kể họ là ai, họ giàu có đến mức nào, giá trị và niềm tin cua họ là gì, cách cư xử và thái độ của họ như thế nào, xuất thân của họ ra sao, mức độ tương đồng giữ họ và ta, v.v.
    • Khi chỉ đối xử tử tế với người được cho là xứng đáng, chúng ta đang thể hiện thành kiến cùng sự phán xét của chính mình, và chỉ cư xử tử tế một cách có điều kiện. Sự tử tế tự nhiên hướng đến mọi sự sống; những thử thách mà bạn gặp phải khi cố gắng áp dụng quan niệm rộng lớn này vào thực tiễn đôi khi sẽ đem đến cảm giác bất lực, nhưng bạn sẽ ngày càng hiểu rõ hơn về sự tử tế của chính mình.
    • Nếu bạn thờ ơ trong việc đối xử tử tế với ai đó chỉ vì nghĩ rằng họ có thể giải quyết được mọi chuyện mà không cần sự hỗ trợ hoặc thấu hiểu của bạn, bạn chỉ đang thực hành sự tử tế có chọn lọc.
  8. How.com.vn Tiếng Việt: Step 8 Hạn chế phán xét.
    Nếu bạn thực sự muốn trở nên tử tế, hãy dừng ngay việc phán xét. Thay vì dành thời gian phê phán người khác, bạn nên học cách trở nên tích cực và nuôi dưỡng lòng trắc ẩn. Nếu bạn thường nghĩ xấu về người khác, ước chi họ có thể cải thiện năng lực, hoặc cảm thấy mọi người xung quanh chỉ biết dựa dẫm hoặc yếu kém, bạn sẽ không biết thế nào là sự tử tế chân thành. Hãy dừng phán xét người khác và nhận ra rằng bạn sẽ không thể nào hiểu được hoàn cảnh của họ trừ khi bạn sống cuộc đời của họ. Tập trung giúp đỡ người khác thay vì phán xét việc họ không thể làm tốt hơn năng lực thực tế.
    • Nếu bạn hay phán xét, thường ngồi lê đôi mách, hoặc luôn nói xấu những người quanh mình, bạn sẽ không bao giờ vượt qua được những hạn chế của bản thân để trở nên tử tế.
    • Tử tế là tin tưởng vào mặt tốt đẹp ở mọi người thay vì kỳ vọng sự hoàn hảo.
    Quảng cáo
Phần 2
Phần 2 của 3:

Phát triển những phẩm chất tử tế

Tải về bản PDF
  1. How.com.vn Tiếng Việt: Step 1 Thể hiện lòng trắc ẩn đối với người khác.
    Điều quan trọng mà bạn cần nhớ là "Hãy tử tế, vì tất cả những người bạn gặp đều đang tranh đấu trong một cuộc chiến cam go". Được cho là châm ngôn của Plato, câu nói này thừa nhận rằng ai cũng đều đang trải qua những thử thách hoặc những vấn đề trong cuộc sống và đôi lúc, chúng ta dễ dàng quên đi điều này khi còn đang mãi chìm đắm trong vấn đề của chính mình hoặc sự giận dữ đối với những điều không như ý. Trước khi bạn làm điều gì đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến người khác, hãy tự hỏi bản thân một câu đơn giản "Hành động này có tử tế không?". Khi bạn không thể đưa ra câu trả lời khẳng định, dấu hiệu đó chính là lời nhắc nhở để bạn thay đổi hành động của mình và giải quyết vấn đề ngay lập tức.
    • Ngay cả khi bạn đang cảm thấy vô cùng tồi tệ, hãy nhớ rằng những người khác cũng đang cảm thấy bất an, đau đớn, khó khăn, buồn khổ, thất vọng và mất mát. Nói như vậy không có nghĩa là bạn nên xem nhẹ cảm xúc của mình, nhưng điều này giúp bạn nhận ra rằng phản ứng của con người thường xuất phát từ những tổn thương và đau đớn hơn là từ sự trọn vẹn của chính họ; sự tử tế là chìa khóa để bỏ qua cơn tức giận và kết nối với con người thật bên trong.
  2. How.com.vn Tiếng Việt: Step 2 Đừng kỳ vọng vào sự hoàn hảo.
    Nếu bạn có xu hướng đi theo chủ nghĩa hoàn hảo, thích cạnh tranh, hoặc luôn sống vội, sự tử tế đối với bản thân thường sẽ bị ảnh hưởng bởi tham vọng và nhịp sống vội vàng của bạn, và cả nỗi sợ hãi khi bị coi là lười biếng hoặc ích kỷ.[9] Hãy nhớ sống chậm lại và tha thứ cho bản thân khi mọi chuyện không như bạn mong muốn.
    • Học từ những lỗi lầm của bạn thay vì chỉ trích bản thân hoặc so sánh mình với người khác.[10] Thông qua lòng trắc ẩn dành cho bản thân, bạn sẽ bắt đầu nhận ra nhu cầu của những người khác bằng ánh mắt chứa đựng sự thương cảm.
  3. How.com.vn Tiếng Việt: Step 3 Tập trung vào hiện tại.
    Món quà tuyệt vời nhất của sự tử tế mà bạn có thể dành cho người khác là có mặt cùng sự hiện diện của họ, lắng nghe bằng sự chú tâm và dành toàn bộ sự chú ý cho họ. Hãy sắp xếp lại kế hoạch trong ngày và dừng việc trở thành người luôn vội vã. Có mặt trong hiện tại có nghĩa là hiện hữu; để làm được như vậy, bạn không thể tiếp tục vội vã hoặc bon chen với dòng đời.
    • Hạn chế việc sử dụng công nghệ khi liên lạc với người khác. Các cách thức giao tiếp bằng công nghệ diễn ra nhanh chóng và không cần sự có mặt của con người như nhắn tin hoặc gửi thư điện tử giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống, nhưng đó không phải là cách thức giao tiếp duy nhất. Hãy dành thời gian kết nối với người khác thông qua việc gặp gỡ trực tiếp hoặc qua những cuộc gọi không gián đoạn. Ngoài ra, bạn còn có thể gửi thư tay thay vì thư điện tử và khiến ai đó bất ngờ vì sự tử tế của bạn khi dành thời gian viết thư trên giấy.
  4. How.com.vn Tiếng Việt: Step 4 Trở thành người...
    Trở thành người biết lắng nghe. Lắng nghe là việc nói thì dễ nhưng làm thì khó, đặc biệt khi bạn sống trong thế giới đầy hối hả, nơi mà sự gấp gáp và bận rộn được đánh giá cao, và việc ngắt lời người khác vì quá nhiều việc hay vội vã chạy đi đâu đó cũng được xem là chuyện bình thường. Tuy nhiên, việc biến sự bận rộn thành thói quen không thể là cái cớ cho việc hành xử thiếu tử tế. Khi bạn trò chuyện với ai đó, hãy học cách lắng nghe bằng toàn bộ ý thức và thực tâm chú ý vào người nói cho đến khi họ chia sẻ hết suy nghĩ và câu chuyện của mình.
    • Thực sự lắng nghe, giao tiếp qua ánh mắt, tránh mất tập trung, và dành thời gian cho ai đó chính là những hành động tuyệt vời nhất của sự tử tế. Hãy dành thời gian lắng nghe và thấu hiểu những gì người nói chia sẻ trước khi ngắt lời hoặc đáp lại bằng câu trả lời được chuẩn bị sẵn. Bạn nên để người nói biết rằng mình hiểu được tình cảnh của họ và sẵn sàng lắng nghe.
    • Biết lắng nghe không có nghĩa là giỏi giải quyết vấn đề. Đôi lúc, điều tốt nhất bạn có thể làm là có mặt để lắng nghe và thừa nhận rằng mình không biết người nói nên làm gì.
  5. How.com.vn Tiếng Việt: Step 5 Lạc quan.
    Hạnh phúc, niềm vui và lòng biết ơn là điểm sáng của sự tử tế, giúp bạn thấy điều tốt đẹp ở người khác và thế giới xung quanh, tiếp thêm sức mạnh để bạn vượt qua mọi thử thách, nỗi tuyệt vọng và sự tàn nhẫn mà bản thân phải chứng kiến hoặc trải qua, liên tục củng cố niềm tin của bạn đối với con người. Giữ thái độ lạc quan là cách đảm bảo rằng những hành động tử tế của bạn được thực hiện trong niềm vui và sự hân hoan, thay vì thực hiện một cách miễn cưỡng hoặc xuất phát từ trách nhiệm. Bên cạnh đó, khiếu hài hước giúp bạn bớt nghiêm khắc với bản thân và nhìn nhận sự đối lập cũng như mâu thuẫn trong cuộc sống bằng tinh thần thiện chí.
    • Giữ tinh thần lạc quan không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt khi bạn có một ngày tồi tệ. Tuy nhiên, bằng việc rèn luyện, ai cũng có thể nuôi dưỡng sự lạc quan bằng cách tập trung vào điều tích cực thay vì tiêu cực, nghĩ đến niềm hạnh phúc trong tương lai, và sống cuộc đời nhiều niềm vui hơn nỗi buồn. Chẳng ai đánh thuế khi bạn luôn nhìn vào mặt tươi sáng của mọi việc.
    • Trở nên lạc quan và tích cực không chỉ giúp bạn có nhận thức đúng đắn về sự tử tế, mà còn đem lại niềm vui cho những người xung quanh. Nếu tốn quá nhiều thời gian để than phiền, bạn sẽ khó mà đem lại hạnh phúc cho những người trong cuộc sống của mình.
    • Hãy tìm hiểu cách sống hạnh phúc, cách trở nên hài hướccách thể hiện lòng biết ơn để nuôi dưỡng sự lạc quan.
  6. How.com.vn Tiếng Việt: Step 6 Thân thiện.
    Những người tử tế thường cũng thân thiện. Điều này không có nghĩa họ là những người dễ gần nhất, nhưng họ thường cố gắng để làm quen với người mới và giúp họ cảm thấy thoải trong môi trường mới. Nếu bạn gặp học sinh mới ở trường học hay đồng nghiệp mới ở cơ quan, hãy thử bắt chuyện với người đó, giới thiệu những việc liên quan, và mời họ đến các sự kiện tập thể. Kể cả khi bạn không phải là người dễ gần, việc mỉm cười và trò chuyện với mọi người sẽ khiến bạn trở nên thân thiện hơn rất nhiều, và sự tử tế của bạn sẽ để lại ấn tượng sâu sắc.
    • Những người thân thiện thường tử tế vì họ mong muốn điều tốt đẹp cho người khác. Họ trò chuyện với người mới gặp hoặc mới quen một cách vô tư, khiến cho đối phương cảm thấy vô cùng thoải mái.
    • Nếu là người vốn nhút nhát, bạn không cần phải thay đổi hoàn toàn tính cách của mình. Thay vào đó, bạn chỉ cần nỗ lực hơn trong việc đối xử tốt với người khác bằng cách chú ý, hỏi thăm, và quan tâm đến họ.
  7. How.com.vn Tiếng Việt: Step 7 Lịch thiệp.
    Mặc dù bản thân việc lịch thiệp chưa hẳn đã là tử tế, sự chân thành trong cách cư xử lịch thiệp sẽ thể hiện sự tôn trọng của bạn với đối phương. Cư xử lịch thiệp là một cách tử tế để thu hút sự chú ý của người khác và thể hiện quan điểm của bạn. Một số cách đơn giản để cư xử lịch thiệp bao gồm:
    • Tìm cách khác để diễn đạt yêu cầu hoặc phản hồi của bạn với người khác. Ví dụ, hãy nói "Tôi có được phép không?" thay vì "Tôi có thể không?"; nói "Tôi cảm thấy bất ngờ" thay vì "Thật không công bằng"; nói "Hãy để tôi giải thích theo cách khác" thay vì "Đó không phải điều tôi đã nói". Việc thay đổi cách diễn đạt nói lên rất nhiều điều.
    • Hành xử chuẩn mực. Giữ cửa ra vào cho người khác, tránh cư xử thô tục, và không tỏ ra quá thân mật với người mới gặp lần đầu.
    • Khen ngợi người khác một cách chân thành.
    • Hãy tìm hiểu cách cư xử lịch thiệp và tử tế để biết bạn nên làm gì.
  8. How.com.vn Tiếng Việt: Step 8 Biết ơn.
    Những người thực sự tử tế thường thoải mái trong việc thể hiện lòng biết ơn. Họ không xem những gì mình có là điều hiển nhiên và luôn luôn cảm ơn người khác vì đã giúp đỡ mình. Họ biết cách nói lời "cảm ơn" chân thành, họ viết thiệp cảm ơn, và họ thoái mái thừa nhận rằng mình được giúp đỡ. Những người có lòng biết ơn cũng cảm ơn người khác vì những điều nhỏ bé như việc ai đó đem niềm vui đến cho họ, thay vì chỉ nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ hoàn thành công việc. Nếu bạn ý thức hơn về thói quen biết ơn những người xung quanh, bạn cũng sẽ thấy bản thân ngày càng tử tế hơn.
    • Khi nhận thấy những đều tốt đẹp mà mọi người xung quanh làm cho mình, bạn sẽ sẵn lòng hơn trong việc đối xử tốt với người khác. Ngoài ra, bạn cũng cảm nhận sâu sắc hơn về điều tốt đẹp mà sự tử tế của người khác đem đến cho mình và mong muốn lan tỏa yêu thương.
    Quảng cáo
Phần 3
Phần 3 của 3:

Hành động

Tải về bản PDF
  1. How.com.vn Tiếng Việt: Step 1 Yêu thương động vật và môi trường sống.
    Yêu thương các loài động vật và chăm sóc tốt cho thú cưng là hành động tử tế. Bạn có thể không cần phải quan tâm đến sự sống của các giống loài khác, đặc biệt là trong thời kỳ này khi các công cụ thống lĩnh của nhân loại quá quyền lực. Tuy nhiên, hành động yêu thương và trân trọng động vật vì giá trị của chúng thể hiện sự tử tế vô cùng sâu sắc. Tương tự như vậy, bảo vệ môi trường sống đang kéo dài và nuôi dưỡng sự sống của chúng ta là việc ý nghĩa và tử tế; hãy đảm bảo không làm tổn hại bất kỳ yếu tố nào đem đến cho ta cuộc sống lành mạnh.
    • Nhận nuôi thú cưng. Sự tử tế của bạn sẽ được đền đáp bằng niềm vui và tình yêu từ sinh vật bé bỏng mà bạn đã đem đến cuộc sống của mình.
    • Giúp bạn bè trông nom thú cưng khi họ phải đi xa. Hãy để bạn bè cảm thấy yên tâm khi biết có người yêu thương và quan tâm đến thú cưng của họ khi họ không có ở nhà.
    • Tôn trọng loài vật bạn đang chăm sóc. Con người không “sở hữu” động vật; trái lại, chúng ta có trách nhiệm trong việc quan tâm đến sự sống của chúng.
    • Dành thời gian tham gia hoạt động tái tạo môi trường địa phương với cộng đồng tại nơi bạn sinh sống. Đi dạo thưởng ngoạn thiên nhiên cùng gia đình, bạn bè, hoặc đi một mình, và gắn bó với môi trường sống mà bạn là một phần trong đó. Chia sẻ tình yêu thiên nhiên với người khác để nối lại sự gắn kết của họ với thiên nhiên.
  2. How.com.vn Tiếng Việt: Step 2 Chia sẻ.
    Những người tử tế cảm thấy hạnh phúc khi chia sẻ với người khác. Bạn có thể chia sẻ chiếc áo len ưa thích, nửa ổ bánh mì thơm ngon, hoặc những lời khuyên trong sự nghiệp với các bạn trẻ hơn mình. Quan trọng là bạn chia sẻ thứ mà mình thực sự quan tâm, thay vì cho đi những gì mình không cần đến nữa. Sẽ ý nghĩa hơn nhiều nếu bạn cho cô bạn mượn chiếc áo len ưa thích thay vì đưa cô ấy chiếc áo thừa cũ mèm mà bạn không bao giờ mặc. Việc chia sẻ với mọi người sẽ khiến bạn hào phóng hơn và tử tế hơn.
    • Lưu tâm đến lợi ích mà người khác có được từ những món đồ của bạn. Không phải lúc nào họ cũng đòi hỏi chúng, nhưng bạn có thể chủ động đưa ra lời đề nghị trước khi họ thừa nhận rằng họ cần thứ gì đó từ bạn.
  3. How.com.vn Tiếng Việt: Step 3 Cười nhiều hơn.
    Mỉm cười là cử chỉ nhỏ nhặt nhưng đầy tử tế và đem đến nhiều lợi ích. Hãy tập thói quen cười với người lạ, bạn bè hoặc người quen. Dù bạn không cần phải đi khắp nơi với nụ cười luôn nở trên môi, nhưng việc mỉm cười với người khác không chỉ khiến họ đáp lại nụ cười của bạn, mà còn đem đến niềm vui nho nhỏ cho họ. Hơn nữa, nụ cười sẽ đánh lừa tâm trí của bạn, khiến bạn cảm thấy vui vẻ hơn trước đó. Tất cả mọi người đều được lợi khi bạn cười và bạn cũng sẽ dần trở nên tử tế hơn.
    • Khi bạn mỉm cười với ai đó, họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn và việc này cũng giúp bạn trông thân thiện hơn - một cách khác để trở nên tử tế. Tiếp đón người khác một cách chu đáo, thậm chí tin tưởng những người lạ bằng cách cười với họ, cũng là cách để cư xử tử tế.
  4. How.com.vn Tiếng Việt: Step 4 Quan tâm đến mọi người.
    Những người thực sự tử tế quan tâm đến người khác một cách chân thành. Họ không đối xử tử tế với người khác chỉ vì họ muốn đạt được thứ mình muốn hay vì họ muốn nhờ vả. Họ làm vậy vì họ thực sự quan tâm đến người khác và muốn mọi người quanh mình được hạnh phúc, khỏe mạnh. Để tử tế hơn, hãy cố gắng quan tâm đến người khác và cho họ cảm nhận được điều đó thông qua sự ân cần, chu đáo, những lời hỏi thăm, và sự chú ý của bạn dành cho họ. Dưới đây là một vài cách để quan tâm đến mọi người:
    • Chân thành hỏi thăm tình hình của mọi người.
    • Tìm hiểu sở thích, mối quan tâm và gia đình của người khác.
    • Nếu người mà bạn quan tâm vừa trải qua một sự kiện trọng đại trong đời, bạn nên hỏi thăm xem mọi chuyện diễn ra thế nào.
    • Nếu người quen của bạn sắp tham gia một kỳ thi hoặc buổi phỏng vấn quan trọng, hãy gửi đến họ những lời chúc tốt đẹp.
    • Khi trò chuyện với người khác, bạn nhớ cho họ cơ hội nói nhiều như bạn. Đừng độc chiếm cuộc trò chuyện mà bạn nên tập trung hơn vào người đối diện thay vì bản thân mình.
    • Giao tiếp qua ánh mắt và không dùng điện thoại khi bạn trò chuyện với người khác. Hãy để họ biết rằng họ là ưu tiên số một của bạn.
  5. How.com.vn Tiếng Việt: Step 5 Gọi điện cho một người bạn không vì lý do gì cả.
    Không phải lúc nào bạn cũng cần lý do để gọi điện cho một người bạn tốt. Hãy đặt mục tiêu gọi điện cho một hoặc hai người bạn mỗi tuần, để hỏi thăm và cập nhật tình hình của họ. Đừng gọi để lên kế hoạch hay hỏi người bạn đó điều gì cụ thể; hãy gọi vì bạn nhớ họ và nghĩ về họ. Việc liên lạc với bạn bè một cách bất ngờ sẽ khiến họ cảm thấy được quan tâm và bạn cũng sẽ thấy tốt hơn; điều này thể hiện sự tử tế và chu đáo.
    • Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể bắt đầu thói quen gọi điện cho bạn bè vào ngày sinh nhật họ. Đừng lười biếng và gửi tin nhắn hoặc viết bài trên Facebook, hãy gọi điện thoại cho bạn bè và trò chuyện một cách chân thành.
  6. How.com.vn Tiếng Việt: Step 6 Quyên góp từ thiện.
    Quyên góp đồ đạc của bạn cho tổ chức từ thiện cũng là một hành động tử tế. Thay vì vứt đồ cũ đi hoặc bán chúng với giá rẻ ở chợ đồ cũ, hãy quyên góp những món đồ mà bạn không còn dùng vì một mục đích tốt đẹp. Nếu bạn có quần áo, sách vở, hoặc đồ gia dụng còn tốt, việc tạo thói quen quyên góp từ thiện thay vì chất đầy trong nhà hoặc bỏ chúng đi là cách tuyệt vời để lan tỏa sự tử tế của bạn đến với người khác.
    • Nếu bạn có quần áo hoặc sách vở mà người quen nào đó đang cần, đừng ngần ngại trao món đồ đó cho họ. Đây là một cách khác để cư xử tử tế.
  7. How.com.vn Tiếng Việt: Step 7 Thực hiện hành động tử tế một cách tự phát.
    Công nương Diana từng nói: “Hãy thực hiện hành động tử tế một cách tự phát mà không mong đợi được đền đáp, chắc chắn một ngày nào đó người khác cũng sẽ làm điều tương tự với bạn.” Những hành động tử tế một cách tự phát vẫn còn tồn tại và tốt đẹp như một nỗ lực có ý thức để lan tỏa sự tử tế; thậm chí còn có những nhóm được thành lập để thực hiện nhiệm vụ công dân cơ bản này! Sau đây là vài gợi ý cho hành động tử tế một cách tự phát mà bạn có thể thực hiện:
    • Quét dọn rác trước nhà bạn và nhà hàng xóm.
    • Giúp bạn bè rửa xe.
    • Trả tiền đỗ xe hộ ai đó.
    • Giúp người khác bê một chiếc túi to.
    • Đặt một món quà trước cửa nhà người khác.
    • Hãy tìm hiểu thêm thông tin để có nhiều ý tưởng cho những hành động tử tế một cách tự phát.
  8. How.com.vn Tiếng Việt: Step 8 Thay đổi cuộc đời bạn bằng sự tử tế.
    Việc thay đổi cách sống và góc nhìn của bạn đối với cuộc sống có thể khiến bạn nản lòng. Nhưng hãy nhớ lời khuyên của Aldous Huxley về việc thay đổi cuộc sống của bạn: "Mọi người thường hỏi tôi cách thức hiệu quả nhất để thay đổi cuộc sống của họ. Thật đáng xấu hổ khi sau hàng năm trời nghiên cứu và thử nghiệm, tôi phải nói rằng câu trả lời hay nhất chỉ là - hãy sống tử tế hơn."[11] Hãy ghi nhớ công sức nghiên cứu hàng năm trời của Huxley và để sự tử tế thay đổi cuộc đời bạn, giúp bạn vượt qua những cảm xúc và hành động bắt nguồn từ sự hung hăng, căm ghét, khinh miệt, tức giận, sợ hãi, và coi thường bản thân, đồng thời khôi phục sức mạnh đã mất đi vì nỗi tuyệt vọng.
    • Bằng việc trở nên tử tế, bạn đưa ra khẳng định chắc nịch rằng việc quan tâm đến người khác, môi trường xung quanh, và bản thân là cách sống đúng đắn.[12] Đó không phải là vì hiệu quả tức thời; sự tử tế là lựa chọn về lối sống, là tiếng ngân nga và nhịp điệu liên hồi vang lên trong mọi hành động và suy nghĩ của bạn.
    • Bằng việc trở nên tử tế, bạn rũ bỏ được gánh nặng lo lắng rằng người khác có nhiều hơn bạn, không xứng đáng bằng hoặc xứng đáng hơn bạn, hoặc đang ở vị trí cao sang hay thấp kém hơn bạn. Thay vào đó, sự tử tế giúp bạn nhận ra mọi người đều có giá trị của họ, và bạn cũng vậy.
    • Bằng việc trở nên tử tế, bạn nhận ra rằng tất cả chúng ta đều gắn kết với nhau. Khi bạn làm hại ai đó, bạn cũng đang làm hại chính mình. Những gì bạn làm để giúp đỡ người khác cũng sẽ hỗ trợ bạn.
    Quảng cáo

Lời khuyên

  • Việc chào hỏi tất cả những người bạn gặp, từ người bán hàng đến sếp của bạn, sẽ khiến mọi thứ xung quanh tươi sáng hơn và giúp mọi người cảm thấy thoải mái. Hãy thực hiện điều đó mỗi ngày.
  • Bạn có thể không thích tất cả mọi người và điều đó là bình thường; kể cả những người tốt bụng nhất trên đời cũng sẽ có lúc tức giận! Mặc dù vậy, hãy cứ tiếp tục cư xử lịch thiệp.
  • Cố gắng không làm tổn thương người khác về mặt thể chất lẫn tinh thần. Việc kiểm soát bản thân là điều quan trọng trong nhiều tình huống.

Cảnh báo

  • Nếu bạn đang thực sự tức giận và buồn phiền vì ai đó, hãy nhớ rằng sự tử tế sẽ khiến người khác nhớ ơn bạn nhiều hơn việc cố gắng kiềm chế trước một hành động sai trái. Mọi người có thể đưa ra đủ lý lẽ để bào chữa cho một hành động sai trái, nhưng cảm giác được tha thứ một cách tử tế sẽ là điều khiến họ khó quên.
  • Hãy chắc rằng cử chỉ tử tế của bạn được cần đến. Đôi khi những sự giúp đỡ không cần thiết có thể gây tác dụng ngược, nên người xưa có câu "làm ơn mắc oán". Có những lúc ta nghĩ ta đang giúp đỡ, nhưng trên thực tế ta có thể gây rắc rối nếu không có đủ thông tin về vấn đề.
  • Đừng nói ra rả về những điều tốt bạn đã làm; hãy khiêm tốn. Việc thực hiện những điều tốt đẹp chỉ để được mọi người xung quanh ca ngợi không phải là tử tế. Việc giúp đỡ một người không biết đến sự hỗ trợ của bạn cũng sẽ cho bạn cảm giác tuyết vời.

Tham khảo

  1. Piero Ferrucci, The power of kindness (Giá trị của sự tử tế), p. 8 (2007), ISBN 978-1-58542-588-4
  2. Piero Ferrucci,The power of kindness (Giá trị của sự tử tế), p. 9 (2007), ISBN 978-1-58542-588-4
  3. Piero Ferrucci, The power of kindness (Giá trị của sự tử tế), p. 7 (2007), ISBN 978-1-58542-588-4
  4. Stephanie Dowrick, Choosing Happiness (Tạm dịch: Lựa chọn niềm hạnh phúc), p. 55, (2005), ISBN 1-74114-521
  5. Stephanie Dowrick, Choosing Happiness (Tạm dịch: Lựa chọn niềm hạnh phúc), p. 4, (2005), ISBN 1-74114-521
  6. Leo Babauta, 7 thói quen nhỏ bé có thể thay đổi cuộc đời bạn và cách tạo dựng chúng, http://zenhabits.net/7-little-habits-that-can-change-your-life-and-how-to-form-them/
  7. Leo Babauta, 7 thói quen nhỏ bé có thể thay đổi cuộc đời bạn và cách tạo dựng chúng, http://zenhabits.net/7-little-habits-that-can-change-your-life-and-how-to-form-them/
  8. Stephanie Dowrick, Choosing Happiness (Tạm dịch: Lựa chọn niềm hạnh phúc), p. 357, (2005), ISBN 1-74114-521
  9. Stephanie Dowrick, Choosing Happiness (Tạm dịch: Lựa chọn niềm hạnh phúc), tr. 341, (2005), ISBN 1-74114-521
  1. Stephanie Dowrick, Choosing Happiness (Tạm dịch: Lựa chọn niềm hạnh phúc), p. 279, (2005), ISBN 1-74114-521
  2. Piero Ferrucci, The power of kindness (Giá trị của sự tử tế), p. 11 (2007), ISBN 978-1-58542-588-4
  3. Piero Ferrucci, The power of kindness (Giá trị của sự tử tế), p. 271 (2007), ISBN 978-1-58542-588-4

Về bài How.com.vn này

How.com.vn Tiếng Việt: Sandra Possing
Cùng viết bởi:
Huấn luyện viên cuộc sống
Bài viết này đã được cùng viết bởi Sandra Possing. Sandra Possing là huấn luyện viên cuộc sống, diễn giả và doanh nhân sống tại Khu vực Vịnh San Francisco. Sandra chuyên huấn luyện một kèm một với trọng tâm là biến đối lối tư duy và khả năng lãnh đạo. Sandra được đào tạo huấn luyện viên từ Viện Đào tạo Huấn luyện viên và có bảy năm kinh nghiệm huấn luyện cuộc sống. Cô có bằng cử nhân về nhân chủng học của Đại học California, Los Angeles. Bài viết này đã được xem 72.910 lần.
Chuyên mục: Giao tiếp xã hội
Trang này đã được đọc 72.910 lần.

Bài viết này đã giúp ích cho bạn?

⚠️ Disclaimer:

Content from Wiki How Tiếng Việt language website. Text is available under the Creative Commons Attribution-Share Alike License; additional terms may apply.
Wiki How does not encourage the violation of any laws, and cannot be responsible for any violations of such laws, should you link to this domain, or use, reproduce, or republish the information contained herein.

Notices:
  • - A few of these subjects are frequently censored by educational, governmental, corporate, parental and other filtering schemes.
  • - Some articles may contain names, images, artworks or descriptions of events that some cultures restrict access to
  • - Please note: Wiki How does not give you opinion about the law, or advice about medical. If you need specific advice (for example, medical, legal, financial or risk management), please seek a professional who is licensed or knowledgeable in that area.
  • - Readers should not judge the importance of topics based on their coverage on Wiki How, nor think a topic is important just because it is the subject of a Wiki article.

Quảng cáo